Người đàn ông này cho người em mượn nhà nhưng không tính bất kỳ một khoản phí nào. Nhưng đến khi lấy lại nhà, ông lại gặp phải những rắc rối không đáng có.
Ông Chu từng kinh doanh vật liệu xây dựng ở quê nhà. Sau này, do tình hình buôn bán không được thuận lợi, ông quyết định lên thành phố để làm việc tại nhà máy. Đồng thời, ông cũng kéo theo vợ và các con đi cùng. Công việc phát triển thuận lợi, ông nhanh chóng mua được căn hộ mới ở thành phố.
Biết được ông Chu có căn nhà ở quê bỏ trống, bà Thương đã sớm hỏi thuê. Thấy em mình có hoàn cảnh khó khăn và căn nhà cũng cần có người trông coi, ông cho người em mượn mà không lấy bất kỳ khoản phí nào.
Ngoài lời cảm ơn, cô em còn hứa hẹn rằng bất kỳ khi nào ông Chu cần sử dụng căn nhà sẽ trả lại nguyên vẹn. Sau khi cho em họ mượn nhà, thỉnh thoảng về quê thăm mẹ, ông được bà Thương tiếp đón rất chu đáo. Bà chuẩn bị, sắp xếp phòng sẵn để chào đón gia đình anh trai.
Khoảng thời gian về thăm nhà của ông Chu trở nên thưa dần kể từ khi mẹ mất. Có khi 2-3 năm, ông mới về thăm nhà một lần do vẫn còn vướng bận công việc, khó thu xếp được thời gian.
Ở thời điểm đầu, bà Thương duy trì liên lạc với ông Chu để kể mọi chuyện về căn nhà. Thậm chí, bà sửa chữa gì đều chụp lại hóa đơn và được ông Chu gửi tiền thanh toán hết sức sòng phẳng. Theo thời gian, kinh tế dần khá hơn. Bà Thương chủ động sửa chữa và thanh toán mà không cần đến sự hỗ trợ của ông Chu.
Cho đến năm 2020, sau một khoảng thời gian tích góp được khoản tiền, bà Thương quyết định rời căn nhà của ông Chu và chuyển đến sống tại một căn chung cư mới rộng rãi hơn. Thấy căn nhà của người anh bỏ không sẽ lãng phí, bà quyết định cho thuê lại.
Tuy nhiên, bà không nói điều này cho anh mình mà tự thu tiền và tự tìm người đến thuê. Tiền thuê nhà trong suốt thời gian đó bà cũng không chia cho ông Chu.
Cho đến tháng 3/2022, ông Chu nhận được thông báo của ủy ban xã. Theo đó, căn nhà của ông nằm trong khu vực mở đường nên sẽ cần phải phá dỡ và nhận được khoản đền bù. Sau khi nhận được thông tin này, ông đã sắp xếp công việc để trở về quê nhằm giải quyết mọi việc.
Trước đó, ông cũng thông báo với người em để có thời gian chuyển đi và sắp xếp cuộc sống mới. Tuy nhiên, khi nghe được điều này, bà Thương tỏ ra phớt lờ. Cho đến khi về quê, gặp lại người em họ, ông Chu nhận ra thái độ của em họ rất khác. Trong cuộc gặp gỡ đó, bà Thương đã hỏi dò ông về khoản tiền được đền bù. Ông cũng thành thật chia sẻ và nói rằng sẽ được khoảng 4,5 triệu NDT (15,6 tỷ đồng).
Dường như khi nghe được số tiền lớn như vậy, sự tham lam trong người của bà Thương nổi lên. Bà bất ngờ yêu cầu ông Chu phải đền bù cho mình số tiền là 500.000 NDT (khoảng 1,7 tỷ đồng).
Sau khi nghe được điều này, người đàn ông này cảm thấy vô cùng tức giận và từ chối sự vô lý này. Nhận thấy người anh không chịu trả tiền, bà Thương đưa ra lý do và căn cứ.
Đầu tiên, bà cho rằng bản thân đã phải tốn rất nhiều tiền để sửa chữa căn nhà trong những năm qua. Nếu không nó sẽ vô cùng đổ nát chứ không thể khang trang như hiện tại. Thứ hai, người em họ cho rằng việc trông coi căn nhà vô cùng vất vả. Vậy nên số tiền 500.000 NDT kia vừa để trả công và trả số tiền mà bà đã phải bỏ ra để sửa chữa căn nhà.
Nghe xong lời trình bày này, ông Chu vẫn nhất quyết từ chối giao tiền cho bà Thương. Vì anh họ không chịu bồi thường tiền, cũng không chịu thương lượng, bà Thương đưa vụ việc này ra tòa. Tuy nhiên, tòa án yêu cầu gia đình tự hòa giải dựa trên mối quan hệ tình thân trước.
Do không thể đòi được khoản tiền bồi thường, bà Thương gây khó dễ cho ông Chu trong việc phá dỡ căn nhà. Mặt khác, ông cũng bị ủy ban xã yêu cầu hợp tác để việc giải phóng mặt bằng diễn ra được nhanh chóng.
Mệt mỏi suốt một thời gian dài, ông Chu quyết định nhượng bộ và giao số tiền cần bồi thường cho bà Thương. Sau khi sự việc được giải quyết, mối quan hệ của 2 anh em cũng không còn êm đẹp. Kể từ đó, họ không còn giao tiếp hay nhìn mặt nhau.