Tôi năm nay 38 tuổi, làm công việc lao động phổ thông với thu nhập vừa đủ trang trải cho gia đình. Nhà tôi có 4 người: Vợ chồng tôi và hai đứa con, một bé 8 tuổi và một bé 5 tuổi. Với mức sống trung bình, vợ chồng tôi luôn cố gắng để lo đủ ăn, đủ mặc cho con, chẳng dư dả gì.
Vợ tôi có nhiều đức tính tốt, giản dị, không có nhu cầu mua sắm nhiều. Nhưng có một điều khiến tôi vừa buồn cười, vừa ngao ngán suốt nhiều năm qua, đó là vợ tôi tham ăn một cách kỳ lạ. Nghe có vẻ hài hước, nhưng nó đã gây ra không ít mâu thuẫn trong gia đình.
Vợ tôi ăn rất nhiều, hễ ăn gì cũng phải chọn phần ngon nhất. Tôi không phải là người tính toán với vợ con. Nhưng đôi lúc, tôi bực đến nỗi phải tự hỏi: Có bà vợ nào như vợ mình không?
Vợ tôi quá coi trọng việc ăn uống của bản thân, không để ý đến người khác (Ảnh minh họa: Reuters).
Mỗi lần chặt thịt gà hay vịt, tôi để ý vợ tôi sẽ khéo léo sắp xếp từng miếng để “đánh dấu lãnh thổ”. Đùi, cánh, lườn đều được xếp về một phía, nơi vợ tôi có thể dễ dàng gắp trước.
Ban đầu, tôi không để ý. Nhưng dần dần, tôi phát hiện, vợ luôn chọn phần ngon, rồi ăn ngon lành chẳng mảy may bận tâm đến ai.
Lũ trẻ còn nhỏ, đôi khi chúng chỉ biết ngồi nhìn mẹ gắp hết miếng ngon. Đến lúc tôi nhắc, vợ tôi mới hờ hững đưa lại một chút. Nhiều lúc, tôi phải gắp phần ngon nhất để chia cho hai đứa nhỏ trước khi vợ tôi ăn.
Vợ tôi còn có một thói quen kỳ lạ khác là giấu đồ ăn để ăn một mình. Tôi đã nhiều lần bắt gặp cô ấy lén giấu đồ ăn vặt, hoa quả ngon, hoặc thậm chí miếng bánh. Khi tôi hỏi, vợ thản nhiên đáp: “Em để dành lúc buồn ăn cho vui miệng”.
Nhưng kỳ thực, vợ tôi đâu chỉ “buồn” một chút. Có hôm, tôi thấy vợ tôi ngồi ăn bánh, uống nước ngọt trong khi lũ trẻ cứ nhìn mẹ thèm thuồng. Vợ tôi vừa ăn, vừa bảo với con uống nước ngọt không tốt.
Tôi cảm thấy bất lực vì không thể nói lý với vợ. Tôi nghĩ, lẽ ra một người mẹ phải biết nhường nhịn con cái, hoặc ít nhất phải lo cho bọn trẻ trước. Nhưng vợ tôi thì ngược lại, lúc nào cũng nghĩ đến phần của mình trước tiên.
Tôi biết vợ mình không phải người xấu, nhưng cô ấy tham ăn đến mức không thể kiểm soát. Có lần, tôi ngồi nói chuyện nghiêm túc, vợ bảo: “Em quen như vậy từ nhỏ rồi. Nhà em ngày xưa nghèo, ai nhanh tay thì có phần ngon, còn không thì nhịn. Em không muốn như thế nữa”.
Nghe vợ nói vậy, tôi cũng phần nào hiểu được lý do. Cái nghèo, cái đói thời thơ ấu đã ám ảnh cô ấy, khiến cô ấy lúc nào cũng có tâm lý “tranh thủ”. Nhưng bây giờ, chúng tôi đã có gia đình, có con cái, đâu thể giữ mãi thói quen ích kỷ như thế được?
Có hôm, tôi nhịn ăn để nhường hết cho vợ con, nhưng vợ tôi vẫn vô tư gắp hết phần ngon. Hai đứa trẻ còn nhỏ nhưng có lẽ cũng bắt đầu nhận ra mẹ không giống những bà mẹ khác. Con gái út hỏi tôi: “Sao mẹ toàn ăn trước, không nhường cho con hả bố?”.
Tôi không cần vợ phải hy sinh hay nhịn ăn, nhịn uống vì chồng con. Tôi chỉ mong cô ấy thay đổi một chút, biết nghĩ cho con cái nhiều hơn. Thức ăn ngon có thể làm người ta vui, nhưng điều đáng quý hơn là niềm vui của cả gia đình khi cùng nhau thưởng thức.
Tôi đã cố gắng tâm sự, nhẹ nhàng khuyên bảo, nhưng vợ tôi vẫn “chứng nào tật nấy”. Có lẽ, tôi sẽ phải nói chuyện nghiêm túc thêm một lần nữa để cô ấy hiểu rằng, một người mẹ không thể tham ăn đến mức khiến con mình phải tủi thân như vậy được.