Hầu như mỗi gia đình ở Hà Nội đều có xe máy và với dân số gần 10 triệu người như hiện nay, thì số xe máy của Hà Nội cũng lên hơn 5 triệu chiếc. Từ lâu, xe máy trở thành phương tiện giao thông chính ở Hà Nội, thành phố có hệ thống đường xá hẹp, ngõ ngách đan xen. Cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, đã dẫn đến việc ùn ứ, quá tải như hiện nay. Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, đây là một bài toán khó khi phát triển đô thị ở Thủ đô hiện nay.
“Tôi cho rằng chủ trương cấm xe máy vào nội đô sẽ không khả thi đối với điều kiện kinh tế và hạ tầng của Hà Nội tại thời điểm hiện tại, kể cả 10-15 năm nữa. Vì hiện nay hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông công cộng chưa phát triển, việc cấm xe máy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, không phải ai cũng có điều kiện để đi xe công cộng vì hạ tầng ở Hà Nội rất nhiều ngõ ngách nhỏ”- ông Thủy phân tích.
Hà Nội có “vội vàng” khi đặt mốc thời gian đến năm 2030 sẽ dừng hẳn hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận? Vấn đề được nhiều người dân quan tâm là: từ năm 2030, sau khi cấm xe máy người dân sẽ di chuyển bằng gì? Thực tế, trong các năm qua, mặc dù chất lượng hệ thống vận tải hành khách công cộng đã được nâng cao, thế nhưng tỷ lệ vận chuyển chỉ đạt dưới 10%. Hà Nội đã và đang phát triển nhiều loại hình giao thông công cộng như tàu điện trên cao, xe bus nhanh BRT, hay metro, nhưng tất cả vẫn đang dở dang và ngổn ngang. Chính những điều này đã làm giảm sự “mặn mà” của người dân với các phương tiện công cộng. Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam cho rằng, chính quyền đô thị phải tạo điều kiện cho người dân, không thể dùng biện pháp hành chính được mà phải dùng biện pháp kinh tế, biện pháp kỹ thuật để giải quyết vấn đề. Cần phát triển hệ thống vận tải công cộng như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe bus hết sức thuận tiện thì không ai dại dột gì mà đi xe máy. “Chúng ta tạo điều kiện cho người dân thì tự khắc người ta sẽ tựu bỏ phương tiện cá nhân, gây ùn tắc giao thông”, ông Nguyễn Văn `Thanh khẳng định.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng ùn tắc giao thông nội đô hiện nay là số phương tiện tăng nhanh. Mỗi năm, Hà Nội tăng từ 4 – 5% phương tiện cá nhân, nhưng quỹ đất dành cho giao thông chỉ tăng 0,28%.
“Về giao thông tĩnh chúng ta càng thiếu hơn, quy hoạch giao thông tĩnh về đề án GTVT thủ đô đáng lẽ đến năm 2020 chúng ta phải đảm bảo khoảng 3-4% diện tích đất dành cho giao thông tĩnh. Nhưng trên thực tế diện tích đất cho giao thông tĩnh đạt chưa đến 1%, tức là chỉ đáp ứng khoảng 25% so với nhu cầu”- ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, phân tích.
Nhiều chuyên gia đưa ra giải pháp cần tăng cường phát triển hệ thống buýt nhỏ trong khu vực lõi trung tâm, sau đó là hạn chế phương tiện cá nhân đi vào khu vực này. Phí đỗ xe máy cũng cần thu và cao hơn hẳn thì người đi xe máy cũng sẽ rất cân nhắc. Đồng thời phát triển hệ thống buýt truyền thống để kết nối các tuyến trục trung tâm và vành đai với quy mô đoàn phương tiện lớn và tăng chất lượng dịch vụ để thu hút người dân – như chia sẻ của TS. Phan Thị Mỹ Thanh, trường Đại học Giao thông Vận tải. “Bất kỳ người dân đô thị nào cũng có thể tiếp cận tuyến buýt gần nhất trong vòng 5-10 phút đi bộ. Các bến xe buýt cần tiếp cận phần lớn các trường học, bệnh viện, Trung tâm thương mại, điểm du lịch và hoàn thiện các mạng lưới tìm kiếm buýt, có thể xem và đặt lộ trình, thanh toán vé thuận lợi để nhóm người trẻ thực sự thích đi xe buýt vì sự tiện lợi, giá rẻ và an toàn hơn”- bà Thanh chia sẻ.
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, số hành khách đi tàu tăng nhưng mức độ đóng góp chưa lớn, buýt nhanh BRT mang nhiều kỳ vọng nhưng lại chưa phát huy được tác dụng, dự án Metro Nhổn – ga Hà Nội đến nay vẫn kéo dài thời gian thi công… tất cả vẫn là thách thức lớn cho giao thông công cộng ở Hà Nội
Vì vậy lộ trình cấm hẳn xe máy vào nội đô của Hà Nội xem ra còn gian nan.
UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội” từ năm 2025, tầm nhìn 2030. UBND TP giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan lập đề án “phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”. Việc hạn chế xe máy sẽ được áp dụng tại địa bàn 12 quận trong nội thành Hà Nội, gồm: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Tây Hồ và Nam Từ Liêm.