Vụ cô giáo để học sinh thân mật quá trớn trong lớp học là một bài học về sự lẫn lộn, thiếu ý thức về vai trò của giáo viên và học sinh.
Hôm qua (ngày 3.10), Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn đã thông tin chính thức về vụ nam sinh lớp 10 và một cô giáo trẻ tại Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội) có hành động thân mật ngay trong lớp học, trước sự chứng kiến của nhiều học sinh và được quay clip lại, đã gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Ông Tuấn cho biết sau khi xác minh, nhà trường tạm thời đình chỉ việc dạy học để cô giáo kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Với học sinh, nhà trường cũng làm việc với gia đình để giúp học sinh nhìn nhận được vấn đề cũng như xem xét hạnh kiểm theo quy định.
Trong vụ việc này, giải quyết như của lãnh đạo Trường THPT Thạch Bàn và Sở GDĐT Thành phố Hà Nội là hợp lý, hợp tình.
Việc cô giáo để cho học sinh của mình thân mật ngay trong lớp học, trước sự chứng kiến của nhiều học sinh là đáng trách và rất khó để biện minh.
Tình huống này cho thấy cả cô và trò đều có dấu hiệu của sự thiếu ý thức về vai trò, trách nhiệm, gây nên sự hỗn loạn về ngôi thứ trong lớp học. Đó là sự lẫn lộn giữa vai trò của giáo viên và học sinh, giữa tôn nghiêm và thân mật, giữa đạo đức và cảm xúc cá nhân.
Trong không gian giáo dục, nơi mà sự tôn trọng lẫn nhau, thầy cô ra thầy cô, học trò ra học trò là nền tảng, thì bất cứ hành vi nào làm mờ đi ranh giới đó đều đáng bị phê phán.
Đặc biệt, các học sinh khác trong lớp không chỉ chứng kiến mà còn tham gia quay clip, đưa lên mạng xã hội, gây hiểu nhầm và tạo nên một làn sóng bình luận tiêu cực.
Tuy vậy, xét một cách công bằng thì đó là một “tai nạn”, xuất phát từ việc còn non kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống sư phạm của một cô giáo sinh năm 2001. Như lời ông Nguyễn Quang Tuấn là “cô giáo trẻ, ít kinh nghiệm quản lý lớp học và xử lý các tình huống xảy ra còn non kém, không nghiêm khắc, nhắc nhở kịp thời học sinh”, nên ở một góc độ nào đó đáng được thông cảm.
Hành vi thân mật giữa cô giáo và học sinh tại Trường THPT Thạch Bàn là một sai lầm đáng tiếc, nhưng nó đồng thời là bài học kinh nghiệm quan trọng cho phụ huynh học sinh nói chung, cho những thầy cô giáo trẻ, cho ngành giáo dục. Đặc biệt là việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho những thầy cô giáo tương lai trong các cơ sở giáo dục đại học.
Để giáo dục đúng nghĩa giáo dục và có hiệu quả như mong muốn thì cần nhiều yếu tố. Trong đó việc đảm bảo, gìn giữ môi trường sư phạm, văn hóa học đường cần phải có sự chung tay từ nhiều phía. Và quan trọng hơn cả, là mỗi một người trong hệ thống, từ thầy cô đến học sinh, phụ huynh, đều cần nhận thức, hành xử đúng với ngôi thứ của mình!
Liên quan vụ ‘nam sinh thân mật với cô giáo trên bục giảng’, hiện cô giáo này đã bị nhà trường tạm đình chỉ công tác trong thời gian giải quyết sự việc.
Trước đó tối 30-9, trên mạng xã hội xuất hiện 1 clip quay cảnh một nam sinh có hành vi trêu đùa ôm vai, vuốt tóc, kề má một cô gái được cho là cô giáo tại vị trí bàn giáo viên. Nhiều học sinh dưới lớp chứng kiến, có học sinh quay lại cảnh trên.
Theo thông tin lan truyền, sự việc được cho là xảy ra tại một trường THPT của quận Long Biên.
Trường báo cáo gì?
Chiều 2-10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết sở đã nhận được báo cáo của Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên).
Theo báo cáo, học sinh nam trong clip là T.N.M.Đ., học sinh lớp 10A4, còn cô giáo trong clip là cô M.Q.T. (sinh năm 2001) là giáo viên hợp đồng môn ngữ văn của trường.
Sự việc xảy ra vào ngày 27-9, khoảng 9h sáng, trong lúc học sinh nghỉ giải lao tại lớp 10A4.
Theo nhà trường, ngay khi nắm bắt sự việc, tối 30-9, ban giám hiệu nhà trường đã trao đổi nhanh với Công an quận Long Biên, đồng thời liên hệ cô giáo trong clip để xác nhận thông tin.
Hiện trường đã tạm đình chỉ công tác cô giáo và phân công giáo viên dạy thay trong thời gian giải quyết sự việc.
Cô giáo nói “thiếu kỹ năng sư phạm”
Đến sáng 1-10, ban giám hiệu Trường THPT Thạch Bàn đã tổ chức buổi nghe ý kiến của các học sinh lớp 10A4, làm việc với cô giáo và đại diện gia đình học sinh trong clip và gia đình học sinh quay clip.
Đồng thời lắng nghe ý kiến của cô giáo chủ nhiệm lớp 10A4 nhận xét về đặc điểm tâm lý, tính cách học sinh trong lớp, trong đó có hai học sinh liên quan.
Sau buổi làm việc, thông tin được làm rõ như sau:
Học sinh T.N.M.Đ. là người quen của cô giáo từ trước đó. Học sinh này thừa nhận đã có hành vi đùa cợt quá mức với cô giáo và không nhận thức được hành vi của mình là không phù hợp tại thời điểm đó.
Em K.T.M. (học sinh quay clip) cũng nhận thức được hành vi của bản thân là sai, do thời điểm đó chỉ nghĩ rằng quay clip để trêu bạn.
Tại buổi làm việc, phụ huynh của hai học sinh liên quan đều nhận thức được hành vi chưa phù hợp của con, hoàn toàn đồng ý với hình thức xử lý của nhà trường. Đồng thời cam kết sẽ sát sao hơn trong việc quản lý, giáo dục con, mong nhà trường tạo điều kiện để con yên tâm tiếp tục học tập, rèn luyện tại trường.
Cô giáo M.Q.T. đã viết bản tường trình và bản kiểm điểm, nghiêm khắc nhận khuyết điểm khi để xảy ra sự việc.
Theo nhà trường, ngay tại thời điểm em học sinh trêu đùa, cô M.Q.T. đã nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi. Tuy nhiên, cô M.Q.T. thừa nhận còn thiếu kiến thức và kỹ năng về nghiệp vụ sư phạm nên đã để sự việc xảy ra.