Lỗi “cá vàng” là cách người dùng xe ở Việt Nam gọi cho lỗi hiện đèn “kiểm tra động cơ” (check engine). Khi đó, hình ảnh động cơ màu vàng (nhìn giống cá vàng) sẽ xuất hiện trên bảng táp-lô, tùy xe mà có thể kèm các dòng chữ cảnh báo. Đây là một trong những lỗi gây nhiều lo lắng cho người dùng, bởi những vấn đề xảy ra nằm ở động cơ – trái tim của chiếc xe. Dưới đây là những nguyên nhân gây ra lỗi “cá vàng”.
Hỏng cảm biến oxy
Cảm biến oxy có chức năng đo lượng oxy không cháy trong hệ thống xả, sau đó thông qua hệ thống máy tính trên xe sẽ tính toán được hỗn hợp chế hòa khí thích hợp để đốt cháy trong các xi-lanh.
Hầu hết các xe đều vẫn chạy được nếu cảm biến oxy hư hỏng, lỗi hoặc cần được thay thế, nhưng động cơ sẽ dùng nhiều nhiên liệu hơn thông thường, xảy ra hiện tượng “ăn” xăng. Khi cảm biến oxy có vấn đề, đèn báo kiểm tra động cơ sẽ sáng. Nếu để tình trạng kéo dài có thể khiến hỏng các bộ phận như bugi hay bộ chuyển đổi xúc tác, qua đó khiến xe thải khói nhiều hơn.
Các xe mới hiện nay được được trang bị hai cảm biến oxy, nằm ở trước và sau bộ trung hòa khí thải (bộ chuyển đổi xúc tác). Khi hư hỏng bộ phận này cần kiểm tra và thay thế càng sớm càng tốt. Ngoài ra, hư hỏng bộ trung hòa khí thải hay bugi cũng là nguyên nhân khiến xe bị “cá vàng”. Cách giải quyết là kiểm tra và thay mới.
Nắp bình nhiên liệu hở hoặc chưa đóng
Nắp bình nhiên liệu bị lỏng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến đèn kiểm tra động cơ bật sáng. Hệ thống và đường dẫn nhiên liệu của xe hoạt động dưới áp suất nhất định, nếu nắp bình bị hở khiến mức áp suất giảm, hệ thống không hoạt động theo đúng như thiết kế, qua đó báo lỗi.
Trong trường hợp này chỉ cần đóng chặt nắp bình xăng, hệ thống sẽ tự động tắt cảnh báo sau vài phút. Nếu đóng chặt nắp nhưng vẫn có mùi xăng thoát ra ngoài, hoặc xộc vào khoang lái, khả năng cao nắp xăng đã bị lỏng, cần thay thế hoặc sửa chữa.
Cảm biến đo lưu lượng khí nạp (MAF) bị lỗi
Cảm biến đo lưu lưu khí nạp (Mass Airflow – MAF) thường nằm ở giữa lọc khí động cơ và đường ống nạp, giúp xác định thể tích và tốc độ không khí đi vào động cơ, từ đó giúp động cơ biết được cần bao nhiêu lượng không khí hòa cùng nhiên liệu để đốt cháy trong xi-lanh, tỷ lệ này khác nhau dựa vào điều kiện môi trường, thời tiết, độ cao.
Các triệu chứng của lỗi cảm biến MAF bao gồm tua máy tăng cao khi chạy không tải, khó khởi động, bàn đạp ga hoạt động không mượt, tốn xăng, dễ chết máy và đèn kiểm tra động cơ sẽ sáng.
Các thiết bị ngoại vi “ăn” điện
Những thứ gắn thêm và sử dụng điện ắc-quy khi xe tắt như camera hành trình có tính năng giám sát 24/7, còi báo động, đèn có thể khiến xe bị hiện tượng nổi “cá vàng”, trong trường hợp ắc-quy bị rút điện khiến xe khó khởi động.
Nếu để ắc-quy yếu điện kéo dài sẽ khiến giảm nhanh tuổi thọ và không còn khả năng giữ điện. Nếu có trang bị các thiết bị gắn thêm và sử dụng điện từ ắc-quy, tài xế nên khởi động xe từ 20-30 phút mỗi ngày nếu không đi, nhằm giúp ắc-quy luôn được sạc đầy điện.
Khi gặp hiện tượng đèn báo kiểm tra động cơ sáng, tài xế nên mang xe đến các cơ sở sửa chữa uy tín hoặc chính hãng để kiểm tra với thiết bị đọc/chẩn đoán lỗi chuyên dụng, nhằm xác định đúng vấn đề để khắc phục lỗi triệt để nhất.