Càng nghĩ càng thương mẹ chồng quá. Bản thân tôi cũng thấy có lỗi và day dứt khôn cùng.
Tôi về làm dâu khi nhà anh chỉ còn có 2 mẹ con. Nghe mẹ anh kể, bố chồng đã mất gần 20 năm về trước. Bà cứ thế ở vậy nuôi con trai khôn lớn mà chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đi bước nữa.
Làm mẹ đơn thân, bao năm qua mẹ chồng rất vất vả. Bà hàng ngày buôn thúng bán mẹt để lo cho con trai ăn học. Đến khi con lấy vợ, bà dồn hết vốn liếng xây được căn nhà 3 tầng rộng rãi khang trang.
Nhưng sau đám cưới của chúng tôi không lâu thì bà phát hiện bị ung thư. Dù nhiều lần mẹ chồng giục 2 con có con sớm nhưng chúng tôi không thể làm bà vui lòng. Bởi chẳng hiểu sao sau hơn năm cưới nhau, dù không áp dụng biện pháp kế hoạch nhưng tôi mãi chẳng có bầu. Đi khám thì bác sĩ bảo chồng rất ít tinh trùng, tôi lại gặp vấn đề về buồng trứng nên tốt nhất xác định thụ tinh ống nghiệm, không thể mang thai tự nhiên.
Sau đám cưới chúng tôi không lâu thì bà phát hiện bị ung thư. (Ảnh minh họa)
2 năm qua, vợ chồng tôi vẫn lần lữa quyết định không tìm con bằng biện pháp này. Bởi phần vì mẹ chồng ốm nặng, cần tập trung lo chữa bệnh và bồi bổ cho bà. Phần khác chi phí thụ tinh ống nghiệm rất đắt đỏ lại chưa chắc đã thành công ngay lần chuyển phôi đầu tiên nên cần phải lên kế hoạch tiết kiệm để có 1 khoản mới tự tin thực hiện.
Ban đầu sợ mẹ chồng lo lắng nên 2 chúng tôi có ý định giấu bà. Nhưng sau bà giục nhiều nên cả 2 đành khai thật. Biết được tình trạng hiếm muộn của 2 con như vậy, mẹ chồng buồn phiền lắm. Nhiều lúc bà cứ bảo:
“Hay là 2 đứa cứ đi thụ tinh ống nghiệm đi, hết bao tiền thì vay mượn, mẹ cũng có 1 khoản đây”.
Nhưng chúng tôi cứ gạt đi:
“Đó là tiền của mẹ, mẹ cứ để đó để còn có sẵn khoản lo thuốc men, ốm đau, tụi con nào dám dùng đến. Cứ để thêm thời gian nữa, tụi con sẽ tiết kiệm và tự tính toán”.
Nghe thế mẹ chồng lại thôi và không giục nhiều nữa. Nhiều khi thấy bà mệt, bảo không được nhìn cháu nội trước khi mất mà thương.
Thế rồi cũng đến ngày bà yếu hẳn, biết không qua khỏi nên bà dặn con dâu:
“Mẹ mất rồi, 2 đứa chỉ phải để tang mẹ 100 ngày thôi là phải hành trình đi tìm cháu nội cho mẹ nhé. Có như vậy dưới suối vàng mẹ cũng yên lòng”.
Dặn dò xong 2 ngày sau thì bà mất. Mấy năm sống cùng mẹ chồng được bà đối xử tốt như con gái nên tôi hụt hẫng và tiếc thương khi bà rời khỏi thế giới này. Vợ chồng tôi đều lo hương khói cho bà chu đáo đến 100 ngày thì quyết định sẽ đến bác sĩ thăm khám để bắt đầu thụ tinh ống nghiệm theo di nguyện của bà. Song cả 2 cũng lo lắng sẽ phải vay mượn nhiều.
Lo 100 ngày mẹ xong thì bất chợt dì của chồng mới ngồi nói chuyện. Dì trao cho vợ chồng tôi cuốn sổ tiết kiệm bảo trước lúc mất, mẹ chồng có làm cho con dâu sổ tiết kiệm 500 triệu ở ngân hàng với hạn mức 2 năm để có lãi cao chút. Dù ngày còn sống mẹ chồng rất muốn đưa tiền cho các con chữa hiếm muộn nhưng sổ chưa đến ngày rút cả gốc lẫn lãi nên bà đành phải chịu. Sau 100 ngày bà mất cũng là ngày sổ tiết kiệm này đến kỳ hạn đáo hạn nên có thể rút hết về mà lại được hưởng lãi suất cao. Vì thế bà nhờ dì cầm hộ đưa lại cho 2 đứa.
Dặn dò xong 2 ngày sau thì bà mất. (Ảnh minh họa)
Rồi dì bảo: “Khổ thân mẹ con, bà ấy cứ sợ 2 đứa phí mất khoảng thời gian để chữa hiếm muộn vì bảo chữa hiếm muộn phải càng sớm càng tốt mới có kết quả cao”.
Vợ chồng tôi cầm cuốn sổ mẹ chồng để lại mà vừa khóc vừa day dứt, áy náy. Hóa ra bề ngoài bà tỏ ra bình thản như vậy nhưng trước lúc sinh vẫn đau đáu muốn các con có một mụn con bế bồng. Chúng tôi sẽ cố gắng để tìm con đúng với nguyện vọng của mẹ chồng. Có phải càng chữa hiếm muộn càng sớm và đúng phác đồ thì tỉ lệ thành công càng cao không?