Trong phong thủy, có một số loại quả cấm kỵ đem ra thờ cúng kẻo tán gia bại sản, tiền tài hao hụt, tài lộc năm mới ngày càng kiệt quệ.
Vào ngày Tết Nguyên Đán, theo truyền thống của dân tộc Việt Nam, mâm ngũ quả thường được bày trên bàn thờ ông bà tổ tiên để thể hiện lòng thành kính, hướng về nguồn cội, tổ tiên. Tuy nhiên, không phải đặt loại quả nào trên bàn thờ cũng tốt. Trong phong thủy, có một số loại quả cấm kỵ đem ra thờ cúng kẻo tán gia bại sản, tiền tài hao hụt, tài lộc năm mới ngày càng kiệt quệ. Dưới đây là những loại quả kiêng kỵ đặt trên bàn thờ chúng ta cần đặc biệt lưu tâm.
1. Hoa quả giả
Theo quan niệm tín ngưỡng tâm linh của người Việt, gia chủ khi thắp hương nên lựa chọn những loại quả thật mang ý nghĩa tốt lành, đủ màu sắc tượng trưng cho ngũ hành là tốt nhất. Việc bày hoa quả giả vừa không tôn trọng thần linh và gia tiên, vừa không có lợi cho phong thủy.
2. Trái cây đã chín nẫu
Vào những ngày Rằm, mùng Một hàng tháng, và đặc biệt vào ngày Tết, gia chủ không nên chọn những loại quả đã chín như chuối chín, đu đủ chín nẫu, hoặc xoài đã chín mềm. Những loại quả này khi chín sẽ rất nhanh hỏng, thu hút ruồi muỗi, bọ lui tới làm ổ từ đó làm ô uế nơi thờ cúng. Ngày Tết, mâm ngũ quả được đặt xuyên suốt, thời gian kéo dài, dưới tác động nhiệt của hơi hương, hoa quả sẽ rất nhanh hỏng, thu hút côn trùng. Chính vì thế, các bạn nên chọn những loại quả có thời gian bảo quản lâu để tránh hiện tượng trái cây bị chín nẫu trên bàn thờ.
3. Những trái cây có gai nhọn
Nhiều người nghĩ rằng, người nhà thích ăn loại quả nào thì thắp hương loại quả ấy. Nên họ có thể mang cả những quả có gai nhọn như mít, sầu riêng lên bàn thờ. Tuy nhiên, theo quan niệm phong thủy thì chúng ta không nên lựa chọn những loại quả này. Bởi vì những trái cây có gai nhọn khi thắp hương cúng có thể làm ảnh hưởng tới gia đạo, sự bình an của của các thành viên gia đình.
4. Loại quả có mùi quá nồng nặc
Nhiều người mua sầu riêng về ăn cũng thường dâng lên bàn thờ cúng lễ vì nghĩ ăn gì cúng đó hoặc do người quá cố thích ăn sầu riêng. Nhưng những trái cây có mùi quá nặng như sầu riêng thì cũng không nên thắp hương ngày Rằm, mồng Một, ngày Tết. Bởi vì bàn thờ cúng là nơi thiêng liêng. Do đó, nên lựa chọn những trái cây có mùi thơm nhẹ nhàng, ngọt ngào là phù hợp nhất.
5. Những quả mọc sát đất
Những loại quả mọc sát đất hoặc có họ hàng với rau như cà chua, me hay thanh trà, dứa… cũng ít khi được lựa chọn để sắp mâm lễ thắp hương. Theo phong thủy, những loại bỏ quả này có thể khiến gia chủ không thuận lợi trong công việc làm ăn hoặc làm ảnh hưởng đến đường may mắn của các thành viên trong gia đình.
Khi sắp xếp mâm ngũ quả bày ngày Tết, các gia đình miền Bắc thường ưu tiên chọn những loại quả này:
– Nải chuối: Nải chuối là loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả của mọi gia đình ngày Tết. Từ thực tế trên mâm ngũ quả, nải chuối nằm ở dưới nâng đỡ những quả khác cho thấy nải chuối mang ý nghĩa đem lại sự đùm bọc, sung túc bình an, tượng trưng cho sự đoàn kết và hạnh phúc của mọi người trong nhà. Lưu ý, khi chọn chuối bày trên mâm ngũ quả phải là chuối xanh, chưa chín tượng trưng cho hành Mộc và lâu hỏng.
– Quả phật thủ: Quả phật thủ có mùi thơm quyến rũ dùng để thờ Phật và gia tiên với mong muốn lưu giữ thần, Phật và gia tiên trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia chủ. Trên mâm ngũ quả, quả phật thủ thường được đặt ở trung tâm và nơi cao nhất.
– Quả bưởi: tượng trưng cho nguồn sức khỏe dồi dào của mọi người trong năm mới
– Quả xoài: tạo nên mối quan hệ hòa thuận trong gia đình
– Quả đu đủ: tượng trưng cho tiền bạc và tài lộc đầy đủ, thịnh vượng
– Quả quất: biểu thị sự sung túc, gia chủ ăn nên làm ra
Trong khi đó, người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài”ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.