Theo chuyên gia tâm lý, sự việc học sinh trường chuyên ở Yên Bái từng dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia có những phát ngôn gây ồn ào vừa qua là điều đáng tiếc và cần giáo dục đạo đức, tư tưởng cho học sinh từ sớm, khơi dậy được đam mê, hoài bão và có khát vọng cống hiến.
Đêm 1/9, Chu Ngọc Quang Vinh – học sinh lớp 12 Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái), người từng giành vòng nguyệt quế tại cuộc thi tuần 3, tháng 1, quý I Đường lên đỉnh Olympia năm 2024 có những phát ngôn gây sốc cho nhiều người.
Nam sinh này đăng tải lên mạng xã hội 4 đoạn nội dung thể hiện quan điểm cá nhân thiếu chuẩn mực, trong đó phủ nhận những gì đã được thầy cô dạy ở trường là không đúng hay mục đích của việc “ôn thi Olympia là để sống ở nước ngoài”, việc học lịch sử không theo ý muốn của bản thân…
Những dòng trạng thái của Quang Vinh lập tức gây sự phẫn nộ cho cộng đồng mạng, nhất là người trẻ. Nhiều người đặt ra câu hỏi về nhận thức chính trị, tư tưởng của một học sinh giỏi, học trường chuyên.
Quang Vinh – học sinh lớp 12 Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái), người từng giành vòng nguyệt quế tại cuộc thi tuần 3, tháng 1, quý I Đường lên đỉnh Olympia năm 2024.
Ngay sau đó, Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái đã có báo cáo UBND tỉnh về việc nam sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành có phát ngôn chưa phù hợp trên mạng xã hội. Sở này đã phối hợp Công an tỉnh nắm tình hình, xác minh sự việc đồng thời chỉ đạo nhà trường cử cán bộ, giáo viên đến gia đình học sinh để nắm bắt thêm thông tin.
Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cũng đã tổ chức buổi làm việc với nhà trường về sự việc, yêu cầu phối hợp chặt chẽ gia đình học sinh theo dõi, nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm lý của học sinh.
Sau khi nhận được thông tin về sự việc, Sở GD&ĐT Yên Bái đã phối hợp với công an tỉnh nắm tình hình, xác minh sự việc; chỉ đạo Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành cử cán bộ, giáo viên trực tiếp đến gia đình học sinh Vinh để nắm thêm tình hình.
Sau đó, học sinh Chu Ngọc Quang Vinh đã rút bài đăng trên mạng xã hội đồng thời có bài viết xin lỗi, trình bày lí do “nhận thức non nớt” nên phát ngôn chưa đúng.
Ngày 4/9, UBND tỉnh Yên Bái tiếp tục có công văn yêu cầu các trường học tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong học sinh, sinh viên. Trong đó cho rằng, trường hợp của nam sinh trường chuyên là “cá biệt” và khẳng định trong những năm qua, học sinh, sinh viên có đạo đức tốt, tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tham gia các hoạt động vì cộng đồng.
“Nhiều người trẻ cắm cúi học nhưng không hiểu được bản chất của việc học để làm gì cũng như không vận dụng được kiến thức đó vào cuộc sống, rút ra được giá trị sống. Lớn lao hơn là từ được học tập, được trải nghiệm các em có hoài bão, khát vọng cống hiến cho cộng đồng, xã hội”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình Sơn.
UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các nhà trường tăng cường vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tư vấn tâm lý, cán bộ Đoàn, Hội, Đội, giáo viên các bộ môn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư vấn học đường; nắm bắt kịp thời và trợ giúp, tư vấn tâm lý học sinh, sinh viên.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thường xuyên tổ chức các diễn đàn, hoạt động đối thoại giữa cán bộ quản lý giáo dục, lãnh đạo các nhà trường, giáo viên với học sinh, sinh viên. Đồng thời yêu cầu giáo viên, học sinh, sinh viên khi sử dụng mạng xã hội thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử văn minh.
Thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình Sơn, Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, trường hợp nam sinh trường chuyên ở Yên Bái có những phát ngôn không phù hợp như vừa qua là đáng tiếc.
Trên thực tế, nhiều người trẻ cắm cúi học nhưng không hiểu được bản chất của việc học để làm gì cũng như không vận dụng được kiến thức đó vào cuộc sống, rút ra được giá trị sống. Lớn lao hơn là từ được học tập, được trải nghiệm các em có hoài bão, khát vọng cống hiến cho cộng đồng, xã hội.
Theo ông Sơn, với trường hợp phát ngôn của nam sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) vừa qua có thể xuất phát từ 3 nguyên nhân gồm: tâm lí cá nhân, môi trường giáo dục và ảnh hưởng của thông tin rác, độc hại ở mạng xã hội.
“ Học sinh trường chuyên đương nhiên là giỏi nhưng phát ngôn như vậy chứng tỏ thiếu kiến thức cuộc sống, xa rời thực tế”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, cần phải giáo dục cho học sinh các giá trị cốt lõi về đạo đức để các em hiểu được lễ, nghĩa cơ bản nhất, từ đó tôn trọng, biết ơn những người xung quanh từ cha mẹ có công nuôi dưỡng, thầy cô dạy dỗ. Gia đình, nhà trường dạy các em tính trung thực bởi khi biết trung thực mới dám nhận lỗi và chịu trách nhiệm.
Khi các em dám chịu trách nhiệm mới biết sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình, xã hội. Hiện nay, đâu đó trong xã hội, mỗi khi xảy ra sự việc người ta lại đổ thừa cho người khác là hành vi không đẹp, thành gương xấu cho học sinh. Việc giáo dục đạo đức, tư tưởng học sinh phải triển khai từ sớm, ngay từ bậc tiểu học để nắm bắt được thời điểm vàng, trước khi các em hình thành cá tính cá nhân.
Một giáo viên dạy trường THPT ở Hà Nội cũng cho rằng, một học sinh trường chuyên, từng được vinh danh trong Cuộc thi Olympia phần nào trở thành hình ảnh để các bạn đồng trang lứa, học sinh lớp dưới ngưỡng mộ. Điều đáng tiếc là do nhận thức non nớt, chưa có va vấp, hiểu được giá trị sống nên phát ngôn chưa đúng chuẩn mực.
“Trong sự việc này, đáng trách đầu tiên là bản thân học sinh nhưng gia đình, nhà trường cũng cần xem lại cách giáo dục tư tưởng, đạo đức nói chung. Chương trình học đã đưa môn Giáo dục công dân vào từ lớp 1, kiến thức pháp luật vào từ THPT nhưng có lẽ đâu đó vẫn chưa thấm, ngấm vào học sinh”, giáo viên này nói.